1. Giải phẫu
Cơ hình lê thuộc nhóm cơ mông, là lớp cơ sâu nằm sau cơ mông lớn;
– Nguyên ủy: Mặt trước các đốt cùng 2 – 4, dây chằng cùng – ụ ngồi;
– Bám tận: Bờ trên mấu chuyển lớn xương đùi;
– Thần kinh chi phối: nhánh trước (bụng) L5, S1, S2
– Chức năng chính của cơ hình lê gồm: nâng và xoay đùi, giúp ổn định khớp háng, duy trì sự cân bằng bước đi.
Cơ hình lê là một cơ dẹt, hình lê (hay hình tháp) nằm xiên ở mông, cạnh bờ trên của khớp háng. Cơ hình lê có vai trò rất quan trọng trong vận động phần dưới của cơ thể bởi vì nó giúp cố định khớp háng, nâng và xoay đùi ra ngoài. Điều này cho phép chúng ta bước đi, nâng trọng lượng cơ thể từ chân này sang chân khác, và duy trì sự cân bằng. Cơ hình lê tham gia các động tác trong thể thao bao gồm nâng và xoay đùi nhanh và tham gia hầu hết các chuyển động của háng và chân.
2. Hội chứng cơ hình lê
Hội chứng cơ hình lê là một rối loạn thần kinh cơ do cơ hình lê sưng, co thắt và kích thích hoặc chèn ép dây thần kinh tọa (còn được gọi là dây thần kinh ngồi hay dây thần kinh hông to: sciatic nerve) gây ra đau nhức, ngứa ran và tê liệt hông/mông và dọc theo đường dây thần kinh xuống dưới đùi và cẳng chân.
2.1. Nguyên nhân của hội chứng cơ hình lê
– Hẹp lỗ bịt.
– Có cơ hình lê phụ.
– Phì đại cơ hình lê.
– Tật cột sống thắt lưng cong ra trước…
– Co thắt cơ hình lê
– Vận động viên.
– Bại não…
– Viêm bao hoạt dịch, viêm vùng cơ hình lê…
Sự co thắt, sưng, kích thích của cơ hình lê là do các chuyển động lặp đi lặp lại của chân, chấn thương, chẳng hạn như ngã; chạy bộ quá sức hoặc kéo dài; ngồi nhiều; đột ngột chuyển từ lối sống ít vận động sang tập thể dục thường xuyên, căng cơ và thừa cân do mang thai, hoặc người có các vấn đề ở khớp cùng chậu.
2.2. Triệu chứng
– Lâm sàng:
Triệu chứng của Hội chứng cơ hình lê tương tự như đau thần kinh tọa, gồm: đau ở vùng mông, tê và yếu lan xuống phía sau đùi, bắp chân và bàn chân theo đường đi của dây thần kinh tọa.
Khác với đau thần kinh tọa ở chỗ đau thần kinh tọa là do bệnh lý ở cột sống như thoái hóa đốt sống, thoát vị đĩa đệm gây chèn ép rễ thần kinh L5 và S1.
Đau do hội chứng cơ hình lê thường tăng khi khi đi lên cầu thang, đứng lên, ngồi xuống, hoặc khi đi, chạy.
– Xét nghiệm:
+ Điện sinh lý, được gọi là thử nghiệm FAIR, đo lường sự chậm dẫn truyền các dây thần kinh khi cơ piriformis đè lên nó.
+ MRI (magnetic resonance neurography), một loại MRI làm nổi bật sự viêm và các dây thần kinh. Hình cộng hưởng từ sẽ giúp nhìn thấy nếu có chấn thương hoặc viêm cơ hình lê, hoặc đôi khi có thể xác định có cơ hình lê phụ hay phì đại cơ hình lê hay không.
Hình 3. MRI vùng chậu ngồi: khối bất thường (u sụn) ở cánh xương cùng phải, phát triển vào thân xương cùng và cơ hình lê (cơ tháp) (P).
– Chẩn đoán phân biệt:
Hội chứng cơ hình lê thường bị nhầm lẫn với các tình trạng đau gây ra bởi các bệnh lý khác, đặc biệt là đau thần kinh tọa có nguyên nhân bệnh lý từ cột sống thắt lưng. Do vậy việc chẩn đoán xác định là rất quan trọng để quyết định phương pháp điều trị phù hợp.
3. Điều trị
– Nếu đau là do ngồi hoặc do hoạt động nhất định nào đó, trước hết phải cố gắng tránh các tư thế gây đau.
– Vật lý trị liệu: Điều trị nhiệt nóng (sóng ngắn, hồng ngoại) có thể giúp giảm các triệu chứng. Điện di ion thuốc, điện xung cũng giúp giảm đau.
– Dùng thuốc: thuốc kháng viêm không steroid, thuốc giãn cơ hoặc tiêm corticoid.
– Tiêm botulinum toxin (Botox) làm giảm căng cơ và giảm chèn ép lên dây thần kinh. Một số nghiên cứu thấy tiêm Botox có hiệu quả hơn tiêm corticosteroids
– Phẫu thuật có thể được khuyến cáo như là một phương pháp điều trị cuối cùng.
4. Bài tập kéo giãn cơ hình lê (cơ tháp)
Vị trí ban đầu: Nằm dựa lưng, dùng một chiếc gối nhỏ hoặc sách để kê đầu. Cong chân trái và để mắt cá chân phải chéo qua đầu gối chân trái.
Thực hiện: Dùng 2 tay giữ chặt bắp đùi trái và kéo người về phía người. Giữ phần xương cụt ngay trên sàn, để hông thẳng. Kéo căng mông phải. Giữ trong 20-30 giây, kết hợp thở sâu. Thực hiện 2 đến 3 lần.
Lưu ý:
- Có thể sử dụng khăn thay thế nếu không thể dùng tay giữ đùi.
- Đừng để xương cụt trượt khỏi sàn.
- Giữ khung xương chậu thẳng
5. Phòng tránh hội chứng cơ hình lê
Vì hội chứng cơ hình lê thường được gây ra do thể thao hoặc vận động gây mỏi cơ hình lê nhiều lần, chẳng hạn như chạy hoặc đá, việc phòng tránh thường phải chọn những môn thể thao tốt. Tránh chạy hoặc tập thể dục trên đồi hoặc trên các bề mặt không đồng đều. Khởi động đúng cách trước khi vận động và tăng cường độ dần dần. Sử dụng tư thế tốt trong khi chạy, đi bộ, hoặc tập thể dục. Nếu cơn đau xảy ra cần ngừng hoạt động và nghỉ ngơi cho đến khi thuyên giảm đau.