ĐTĐ – Không chỉ người già mà nhiều bạn trẻ hiện nay thường ca cẩm với nhau chứng đau lưng, đau cổ, đau vai gáy. Có những lúc, cơn đau rất dữ dội và chỉ cần ngồi lâu, hay mang vác nặng là đã bị đau. Những cơn đau thường xuyên đó là dấu hiệu của bệnh thoát vị đĩa đệm khá phổ biến hiện nay.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Thạch – Giám đốc bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, thoát vị đĩa đệm là sự dịch chuyển nhân nhầy ra ngoài. Giữa các cột sống có đĩa đệm, trong đĩa đệm có nhân nhầy. Khi các vòng xơ của đĩa đệm rách, nhân nhầy bị ép ra ngoài, chèn vào các dây thần kinh, khiến đau lưng.
Thoát vị đĩa đệm hiện được chia làm 4 giai đoạn.
– Giai đoạn 1, vòng xơ chưa rách, nhưng nhân nhầy kém tiết dịch khiến bệnh nhân có biểu hiện là tê chân. Lúc này bệnh nhân chỉ cần điều trị bằng thuốc và phục hồi chức năng.
– Giai đoạn 2, vòng xơ đã rách một phần, bệnh nhân thấy đau lưng và tê chân nhiều hơn. Biện pháp tốt nhất hiện nay là điều trị bằng sóng cao tần.
– Giai đoạn 3, 4 vòng xơ đã rách hẳn, nhân nhầy thoát ra ngoài, chèn ép vào các dây thần kinh. Khi đó điều trị bằng thuốc hay phục hồi chức năng không còn hiệu quả.
Với những người mà khối thoát vị chèn ép quá nhiều vào dây thần kinh, gây đau đớn, thậm chí là không đi lại được thì một giải pháp tiên tiến được tính đến hiện nay là mổ nội soi để lấy khối thoát vị này ra khỏi cột sống.
Anh Đào Đình Thi, Ba Đình, Hà Nội bị thoát vị đĩa đệm cách đây đã 4 năm. Cũng đã dùng thuốc, bấm huyệt nhưng những cơn đau vẫn không dứt. Tâm lý e ngại, sợ gặp phải các biến chứng khiến anh không dám đi mổ. Đến khi không thể đi lại được nữa, tìm hiểu kỹ thông tin, anh mới nhận thấy, việc mổ nội soi để lấy khối thoát vị ra là hết sức an toàn và cần thiết. Tuy nhiên, các kỹ thuật cao trong điều trị thoát vị đĩa đệm hiện nay rất tốn kém, có thể lên tới vài chục triệu đồng. Vì vậy, việc phát hiện sớm những dấu hiện của bệnh là hết sức cần thiết.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Thạch – Giám đốc bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, bạn cần phải khám khi lưng đau đột ngột, không có nguyên nhân rõ ràng.
– Có thể kèm theo các triệu chứng như sốt, đau ngực, khó thở, co dạ dày.
– Đau dữ dội kéo dài 2 – 3 ngày không hết.
– Đau âm ỉ kéo dài 2 tuần.
– Đau lưng nhanh chóng lan xuống chân, đầu gối và bàn chân.
Chú ý phòng bệnh từ khi còn nhỏ và ngay trong cách thức sinh hoạt hàng ngày. Thoát vị đĩa đệm chính là một hậu quả của việc cột sống bị thoái hoá. Vì vậy, muốn phòng tránh thoát vị đĩa đệm, thì bạn phải có những cách bảo vệ cột sống của mình. Ngày nay, những yếu tố dễ dẫn đến thoái hoá cột sống bắt đầu từ rất sớm, với trẻ, việc ngồi hàng giờ chơi games, xem tivi , ăn uống vô độ dẫn đến béo phì… là rất nguy hại.
Ngoài ra cần chú ý những điều sau:
– Với những người lao động trí óc, cứ ngồi làm việc khoảng 1 – 2 tiếng phải đứng dậy đi lại, tập một vài động tác có lợi cho lưng.
– Với người lao động chân tay, chú ý không mang vác quá sức. Với những vật quá nặng, không bao giờ được đứng cúi lưng để nhấc vật lên mà phải ngồi xổm xuống, nâng vật lên từ từ.
– Tập thể dục thường xuyên, đều đặn. Tập Thái cực quyền, bơi lội là rất tốt để phòng ngừa thoát vị đĩa đệm.
Theo vtv.vn